Công dụng của nước vo gạo và những điều cần lưu ý

Nguyễn Văn Chuyên 01/08/2017

Nước vo gạo từ lâu đã được dân gian cho rằng có nhiều dưỡng chất nên nước vo gạo thường được dùng để làm đẹp da, mượt tóc như: rửa mặt, gội đầu, tắm, đánh răng… Bên cạnh đó nước vo gạo còn được biết đến với nhiều công dụng nữa như: khử độc cho rau củ, khử mùi tanh, khử mặn,… Chúng tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu về những công dụng này của nước vo gạo, và tìm hiểu cách sử dụng nước vo gạo để mang lại công dụng tốt nhất.

cong dung nuoc vo gao va nhung dieu can luu y y duoc 365

Nước vo gạo có nhiều công dụng tốt nếu sử dụng đúng cách.

Nước vo gạo làm nước rửa mặt, nước tắm làm trắng, mịn da

Nhiều người cho rằng trong nước gạo có chứa Vitamin B5 rất có lợi cho da, vì thế bạn có thể dùng nước gạo rửa mặt hay tắm thường xuyên để ngăn chặn sự lão hóa và giúp da trở nên bóng đẹp hồng hào. Do đó nhiều người dùng nước vo gạo đã lắng trong để rửa mặt vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ cho da sáng đẹp, mịn màng. Hoặc, lắng nước vo gạo và gạn lấy lớp bột lắng ở dưới để đắp mặt nạ, massage cho da mặt, da tay giúp cho da hấp thụ các chất dinh dưỡng, trở lên mịn màng, săn chắc hơn. Nước vo gạo thậm chí còn được dự trữ, đổ vào bồn để làm nước tắm với hy vọng toàn thân sẽ mịn màng tự nhiên. Nước vo gạo có chứa nhiều vitamin tự nhiên có thể có tác dụng cung cấp dinh dưỡng tại chỗ, làm cho da mềm, mịn màng hơn; còn công dụng làm trắng da thì chưa thể khẳng định.

Nước vo gạo làm mượt tóc, đen tóc

Nhiều người tin rằng nước gạo đã lên men thành chất axit loãng có tác dụng bảo vệ tóc. Người ta tin rằng nước vo gạo đã lên men lưu giữ hàm lượng dinh dưỡng vitamin A và C giúp tóc óng mượt, vitamin B giúp các tế bào sắc tố màu đen trở nên đen hơn.

Nước vo gạo dùng để đánh răng

Nước vo gạo còn được cho là có thể dùng để đánh răng làm cho răng trắng, khỏe. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào để chứng minh rằng nước vo gạo có tác dụng làm răng trắng khỏe. Hơn nữa, các vitamin, vi chất dinh dưỡng có trong nước vo gạo bám dính vào kẽ răng, vào bề mặt răng, nếu không được súc sạch lâu dần sẽ làm ố răng, tạo thành các mảng bám. Đây là môi trường thuận tiện cho vi khuẩn phát triển, gây bệnh sâu răng và hôi miệng. Để có hàm răng chắc, khỏe, cần có chế độ chăm sóc răng miệng hợp lý, đảm bảo vệ sinh, và tốt nhất nên định kỳ đi khám nha.

Nước vo gạo giúp các loại rau khô mau mềm.

Đối với các loại rau, củ khô như măng khô, mộc nhĩ, rong biển… chúng ta thường mất khá nhiều thời gian để ngâm cho mềm. Nhưng nếu dùng nước vo gạo thay vì nước lã để ngâm, rau sẽ mềm mau hơn. Cách làm này còn có tác dụng giúp rau khi nấu sẽ nhanh nhừ và mùi vị cũng thơm ngon hơn.

Nước vo gạo dùng khử độc cho rau củ

Rau củ rửa bằng nước sạch cũng không đảm bảo là loại bỏ được những vi chất độc hại còn bám trên bề mặt. Do đó, để hạn chế ngộ độc, bạn nên ngâm rau củ vào nước vo gạo có pha ít muối sau khi rửa sạch nước đầu tiên từ một đến hai giờ, sau đó vớt ra, rửa lại lần nữa.

Nước vo gạo dùng khử mặn cho cá khô

Để trữ được lâu, một số loại khô thường được ướp muối rất mặn. Do đó, trước khi chế biến, nên rửa sơ khô qua nước vo gạo (thay vì nước sạch thông thường), vừa giúp làm sạch bụi bẩn, vừa khử mặn.

Nước vo gạo dùng khử mùi tanh

Nếu trong quá trình chế biến thức ăn, tay bạn bị vấy bởi mùi tanh thịt cá thì tốt nhất nên rửa tay qua nước vo gạo, vừa giúp tay sạch, vừa làm da tay mềm mịn hơn so với việc rửa bằng xà phòng.

Nước vo gạo dùng làm nước rửa chén

Thông thường, với một ít chén đĩa không quá nhiều dầu mỡ thì việc sử dụng nước rửa chén đôi khi hơi phí phạm, còn rửa qua nước thường lại không sạch. Nếu có sẵn nước vo gạo, bạn hãy dùng nó như một loại nước rửa đặc biệt. Sử dụng chiếc giẻ mềm, bằng vải, có tính cọ xát tốt, kết hợp với nước vo gạo sẽ làm cho chén đĩa sạch nhanh chóng hơn. Sau đó, chỉ cần tráng qua nước sạch là xong.

Nước vo gạo dùng làm bóng xoong nồi

Bạn lo lắng những chiếc nồi bằng nhôm, gang, inox để lâu ngày không dùng đến sẽ rất mau xỉn màu. Để nồi nhìn bóng loáng trở lại, bạn đổ nước vo gạo vào ngập, sau đó bắc lên bếp, đun cho đến khi nào nước sôi, để một lát rồi tắt bếp, nước nguội hẳn thì trút ra, rửa sạch nồi lại bằng nước, bạn sẽ thấy nồi sáng bóng hơn bình thường.

Lưu ý:

Nước vo gạo dùng rửa mặt, tắm, gội đầu, đánh răng

Những cách làm trên chỉ là những mẹo vặt chứ chưa có nghiên cứu cụ thể nào được công bố. Trên thực tế, các viện thẩm mỹ chuyên nghiệp khi được hỏi về các cách chăm sóc da truyền thống đều không thừa nhận việc sử dụng nước vo gạo. Trong số các loại mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên cũng có những loại được chiết xuất từ tinh chất gạo, nhưng những chiết xuất này chỉ là những thành phần có lợi và đã được loại bỏ các tạp chất, được nghiên cứu, bào chế một cách có khoa học.

Nước vo gạo có thể gây kích thích dị ứng

Bất cứ loại sản phẩm làm đẹp nào, dù là hóa chất hay có nguồn gốc tự nhiên, khi tiếp xúc với da cũng có thể gây dị ứng kích thích do cơ địa người sử dụng không thích hợp với một thành phần nào đó có trong mỹ phẩm. Trong khi đó, trong nước vo gạo có chứa bụi và các tạp chất, tồn dư hóa chất chống mốc… có thể gây dị ứng đối với da.

Do đó, trong quá trình gạn lọc nước vo gạo cần hết sức chú ý để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, hạn chế các nguy cơ dị ứng do cặn bẩn. Nếu muốn dùng để tắm, rửa mặt hoặc massage, gội đầu có thể sử dụng nước vo gạo thứ hai, nước vo lượt đầu nên đổ đi để tránh bụi bẩn và tạp chất.

Nguồn: Y Dược 365 (TH)

Chia sẻ :

Viết bình luận của bạn