Gạo séng cù - giống ngoại thành đặc sản Lào Cai

Nguyễn Văn Chuyên 19/04/2017

Có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng giống lúa séng cù có sự tương thích đặc biệt với thổ nhưỡng Lào Cai, đặc biệt 2 huyện Mường Khương và Bát Xát.

Gạo séng cù trồng trên đất này ngon hơn và cũng được bán với giá cao hơn nơi khác. Lợi thế này đang được địa phương tận dụng và phát huy bằng khoa học.

Giống lúa ngon nhưng kén đất

Ông Cao Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Tiên Phong, xã Mường Vi, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi đang đẩy mạnh sản xuất gạo séng cù - cho biết ưu điểm nổi bật nhất của loại gạo này là hạt to, mập, rất thơm, cơm ngọt đậm, dẻo và giòn ngay cả khi đã nguội. Giống lúa séng cù vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, được trồng tại nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam từ đầu những năm 90 thế kỷ trước và có mặt ở tỉnh Lào Cai từ năm 1996.

Gạo mầm séng cù. Ảnh: NV

Dù được gieo trồng ở nhiều nơi, nhưng do “kén đất” nên loại gạo này chỉ cho chất lượng tốt nhất khi được trồng ở 2 huyện Bát Xát và Mường Khương của tỉnh Lào Cai. Vì vậy, mặc dù gạo séng cù cũng được trồng ở các địa bàn thấp hơn của Lào Cai và ở các tỉnh khác nhưng giá sản phẩm giữa các vùng xuất xứ có độ chênh lệch khá cao.

Trên thị trường, gạo séng cù Bát Xát, Mường Khương thường được bán đến tay người tiêu dùng với giá khoảng 30.000 đồng/kg, trong khi sản phẩm xuất xứ khác như Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên giá từ 22.000-27.000 đồng/kg.

“Để cho ra sản phẩm gạo ngon nhất, phải chọn vùng đất có độ cao trên 500m so với mặt nước biển, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm từ 8-150C, chất đất phù sa cổ và đất feralit với hàm lượng kali cao, nguồn nước cung cấp cho đồng ruộng chảy trực tiếp từ trong núi” - ông Tuấn nói và cho biết, gạo séng cù ở Bát Xát và Mường Khương mỗi năm được trồng 2 vụ, mỗi vụ kéo dài 6 tháng. Bà con trồng cùng ngày, gặt cùng ngày nên chất lượng hạt gạo đồng đều, to, mập.

Kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu dinh dưỡng tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy các chỉ số vitamin B1, B3, B6, E, protein, lipít trong gạo séng cù ở 2 huyện kể trên cao hơn gạo tẻ thông thường.

Đẩy mạnh thương hiệu

Xã Mường Vi, huyện Bát Xát là một trong những điểm đẩy mạnh nhất việc sản xuất và thương mại hóa gạo séng cù. Hiện tất cả các thôn trong xã đều gieo cấy giống này. Ông Trần Kiều Hưng - Chủ tịch xã Mường Vi - cho biết: “Chính quyền luôn khuyến khích phát triển giống lúa này bằng việc xây dựng chương trình canh tác theo mô hình “cánh đồng một giống” với 100% giống lúa séng cù chất lượng cao vào vụ mùa trên cánh đồng Mường Vi. Địa phương đang được Nhật Bản chuyển giao công nghệ thâm canh cây lúa theo 5 quy trình của Nhật Bản để bà con ứng dụng”.

Cánh đồng lúa séng cù ở Mường Vi. Ảnh: Ngô Luyện

Bà Trần Thị Xuân - nông dân thôn Lâm Tiến - cho hay, lúc đầu, giống séng cù nhiều sâu bệnh, khó chăm sóc. Sau đó, khi có dự án phát triển giống lúa đặc sản này, bà con được cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật hướng dẫn kỹ thuật nên việc canh tác trở nên thuận lợi hơn, giảm sâu bệnh, lại tiết kiệm được chi phí đầu vào do giảm lượng giống, phân bón.

“Hiện nay, giá thóc séng cù đạt 16.000 nghìn đồng/kg - cao gấp đôi so với giống lúa bắc thơm vốn là thế mạnh của các xã trong vụ mùa” - bà Xuân vui vẻ.

Tận dụng cơ hội tỉnh Lào Cai quy hoạch cánh đồng lớn chuyên canh giống lúa séng cù rộng 600ha tại 2 huyện Bát Xát và huyện Mường Khương, Hợp tác xã Tiên Phong đã đẩy mạnh kế hoạch gia tăng giá trị sản phẩm gạo bằng việc đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất theo quy trình liên hoàn (sấy khô nguyên liệu - xay xát - tách màu - đóng gói) xây dựng thương hiệu.

“Chúng tôi đang xây dựng một chuỗi sản xuất liên kết với nông dân tại địa phương theo quy mô kết nối 4 nhà, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm và xây dựng chuỗi bán hàng tại các thành phố lớn nhằm tránh tình trạng người tiêu dùng nhầm gạo séng cù Mường Vi với các loại gạo khác. Chúng tôi cũng đẩy mạnh quảng bá thông tin về gạo séng cù tới người tiêu dùng qua các kênh truyền thông của địa phương” - ông Tuấn nói và cho biết, trong vụ đông xuân 2017, hợp tác xã thí điểm mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để làm cơ sở nhân rộng mô hình này trong các năm tiếp theo.

Chia sẻ :

Bình luận

  • avatar

    test
    test@gmail.com

Viết bình luận của bạn